SỎI TÚI MẬT- CĂN BỆNH NGUY HIỂM THẦM LẶNG

Đăng lúc: 16:43:00 03/08/2021 (GMT+7)

Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê nằm mắt dưới gan bên phải để lưu trữ và cô đặc mật. Mật do gan bài tiết được lưu trữ trong túi mật rồi được bài xuất xuống ruột để tiêu hoá chất béo. Sỏi túi mật thể rắn hình thành bởi cholesterol, muối mật và canxi, kích thước sỏi từ vài mm đến vài cm. Số lượng có thể từ 1 đến hàng trăm viên.

1.      Nguyên nhân:

Nguyên nhân chủ yếu gây ra sỏi túi mật do chuyển hoá, khi trong dịch mật có nồng độ cholesterol dư thừa quá cao tạo thành các tinh thể mà từ đó sỏi túi mật được hình thành.

2.      Các đối tượng dễ xuất hiện sỏi túi mật:

Sỏi túi mật thường xuất hiện ở những đối tượng:

-Nữ giới trên 40 tuổi

-Phụ nữ sau sinh nở có lượng estrogen tăng hoặc dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen

-Béo phì gây ra tăng cholesterol trong mật (bile)

-Tiền sử gia đình có sỏi túi mật

-Sụt cân đột ngột

-Người bị bệnh tiểu đường

-Chế độ ăn nhiều chất béo và ít chất xơ

      3. Triệu chứng:

Hầu hết người bệnh không xuất hiện triệu chứng, sỏi túi mật được phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh, thực hiện siêu âm bệnh khác.

Một số triệu chứng cơ bản thường gặp như:

  - Đau bụng, mạn sườn: Cơn đau bụng thường xuất hiện âm ỉ ở vị trí dưới sườn phải, đau xuyên qua lưng và lên vai phải, tình trạng đau đớn gia tăng kéo dài khoảng 60 phút và có thể duy trì lâu hơn. Cơn đau quặn dữ dội ít xảy ra, thường liên quan đến việc sỏi gây tắc ống cổ túi mật, viêm túi mật cấp đòi hỏi người bệnh phải nằm viện dùng thuốc, theo dõi và có thể phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu nếu quá trình viêm tiến triển dẫn đến hoại tử túi mật.

  - Rối loạn tiêu hóa: Triệu chứng sợ đồ dầu mỡ, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu…thường xuất hiện ở một số bệnh nhân sỏi mật. Tuy nhiên những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn thành một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đau dạ dày nên bệnh nhân thường chủ quan và tự  điều trị không phù hợp.

 -  Vàng da: Mức độ vàng da của người bệnh sẽ khác nhau tùy thuộc vào tiến triển của sỏi mật. Các hiện tượng kèm theo triệu chứng này có thể là ngứa ngáy, đi ngoài ra máu.

 - Sốt: Người bị sỏi túi mật có thể bị sốt do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật.

       4. Hướng điều  trị:

- Điều trị không phẫu thuật bằng cách uống thuốc tán sỏi. Phương pháp này đôi khi không hữu hiệu và thường không hiệu quả.

- Phẫu thuật cắt túi mật:

Phẫu thuật cắt túi mật được xem như là phương pháp hiệu quả nhất được chọn trong điều trị ngoại khoa sỏi túi mật. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng. Tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi hay mổ mở cho phù hợp.

Khoa Ngoại -  Bệnh viện đa khoa Hậu Lộc hiện đã áp dụng và thực hiện thành công cho nhiều bệnh nhân sỏi túi mật bằng cả hai phương pháp mổ nội soi và mổ mở.

Phẫu thuật cắt túi mật tại khoa Ngoại – BVĐK Hậu Lộc

 

Túi mật của bệnh nhân được cắt bỏ sau phẫu thuật

    Bệnh nhân đến với khoa Ngoại tổng hợp - BVĐK Hậu Lộc sẽ được hưởng những dịch vụ kỹ thuật tốt nhất, được chăm sóc tận tình bởi đội ngũ y bác sỹ với trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế đầu tư hiện đại, cơ sở vật chất xây mới, khang trang sạch sẽ mang lại an toàn, an tâm cho người bệnh. Ngoài ra, nếu có nhu cầu, bệnh nhân có thể đăng ký lựa chọn bác sỹ phẫu thuật là các giáo sư, bác sỹ đầu ngành tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa…. về phẫu thuật tại bệnh viện. Phẫu thuật tại khoa Ngoại BVĐK Hậu Lộc giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, giảm thiểu các chi phí đi lại sinh hoạt khi không phải vượt tuyến trên. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay, bệnh nhân sẽ được hưởng trọn vẹn những kỹ thuật tiên tiến nhất ngay tại địa phương mà không lo dịch bệnh.

Mọi chi tiết cần tư vấn xin mời quý bệnh nhân liên hệ qua số điện thoại :  0944.090.469 ( Bác sỹ: Trịnh Tuấn Anh - Trưởng khoa Ngoại, BVĐK Hậu Lộc)

 

 

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:45 | 13:00 - 16:30
Mùa hè: 6:45 - 11:30 | 13:30 - 16:45
Trực cấp cứu: 24/24